top of page
siemens-1.jpg

Vòng bi NSK
cho Động cơ điện

Vòng bi NSK là một lựa chọn phổ biến và đáng tin cậy trong ứng dụng động cơ điện nhờ vào các đặc điểm quan trọng sau:

  • 1. Vòng bi motor điện bị xước mặt trong, khi khởi động lại sau 3 tháng ngừng, vì sao?
    Thiết bị dừng 3 tháng, các chất bôi trơn có thể bị biến tính (tác động của độ ẩm, hơi nước). Gia tốc cao khi khởi động lại, trong điều kiện chất bôi trơn biến tính, làm con lăn bị trượt, gây xước.
  • 2. Lắp ghép DF, DB, DT, có ảnh hưởng đến tuổi thọ vòng bi không?
    Có. Lắp ghép DB, DF, DT có ảnh hưởng tới khả năng chịu tải trọng (Cr) của cả cụm vòng bi, và từ đó ảnh hưởng tới Tuổi thọ. Các Nhà sản xuất Vòng bi công bố “Cr tương đương của cả cụm bằng 1.62Cr của 1 Vòng bi”. (xem thêm catalog NSK, trang B47 tới B65) Ví dụ: ● 7310B, Cr = 68.000N ● 7310B DB, Cr = 111.0000N, bằng 1.62 của 68.000N
  • 3. Vì sao vòng ngoài bị lỏng với ổ ngoài, cách khắc phục như thế nào?
    Vòng ngoài và Ổ đỡ thường được khuyến cáo ở chế độ lắp ghép lỏng (H6, H7). Lý do chính là tính công nghệ của việc tháo lắp vòng bi (dễ dàng), và để cụm trục/vòng bi có thể bù trừ dãn nở nhiệt. Chính sự ‘’lỏng’’ này, trong 1 số trường hợp bất thường của chế độ vận hành (rung động, nhiệt độ gia tăng cao..), gây ra chuyển động xoay của vòng ngoài trong ổ đỡ. Chuyển động này làm mòn ổ đỡ. Cách khắc phục: [thông tin đang được cập nhập trong thời gian sớm nhất...]
  • 4. Phương pháp bảo quản Vòng bi khi lưu kho?
    ● Giữ nguyên bao bì của Nhà cung cấp (đã đảm bảo chống ẩm, chống bụi tốt) ● Giữ kho khô ráo, tránh bụi ● Nhiệt độ bảo quản dưới 30 độ C
  • 5. Nguyên nhân hư hỏng của vòng cách?
    ● Vòng cách, về nguyên tắc thiết kế và chế tạo Vòng bi, không phải là chi tiết chịu Tải trọng từ thiết bị. Do đó, Vòng cách không hư hỏng do tác động trực tiếp của Tải trọng bên ngoài. ● Vòng cách bị hư hỏng do những bất thường phát sinh bên trong Vòng bi, đặc biệt nhất là khi các con lăn chuyển động có thành phần ‘’rung’’, ‘’lắc’’, ‘’trượt’’. Khi đó, các con lăn sẽ va đập, chạm vào vòng cách, gây mài mòn. Khi độ mài mòn đủ lớn, con lăn sẽ có thể xoay khỏi tâm quay song song với trục, và làm ‘’kẹt’’, từ đó phá hỏng vòng cách. ● Các vòng bi có con lăn trụ, côn, tang trống thường có hiện tượng hư hỏng vòng cách nhiều hơn các vòng bi có con lăn cầu. ● Hư hỏng Vòng cách rất ít khi là nguyên nhân gốc rễ làm hư hỏng vòng bi.
  • 6. Vòng cách M bị mòn nhanh, vì sao?
    Vòng cách bằng đồng có khe hở với con lăn rất nhỏ, lại thường có bản rộng. Khi bôi trơn không đảm bảo, hoặc trong điều kiện rung động gia tăng, sự diện tích tiếp xúc con lăn-vòng cách là lớn, mài mòn diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, Đồng là kim loại bị mài mòn nhanh hơn Sắt, nên chúng ta thường dễ thấy sự mài mòn của vòng cách bằng Đồng, so với vòng cách bằng sắt.
  • 7. Hai vòng bi lắp bộ, 1 bị hỏng, 1 không bị hỏng, vì sao?
    Không bao giờ có 2 Vòng bi nào cùng hư hỏng 1 lúc. Sự hư hỏng luôn bắt đầu từ vị trí ‘’yếu nhất’’ của chuỗi các chi tiết liên quan. Ngay cả trong 1 vòng bi, thì hư hỏng cũng chỉ xuất phát từ 1 vị trí (yếu nhất), sao đó lan tỏa đi. Trong t/h của chúng ta, 2 vòng bi tuy cùng lắp cặp (về nguyên tắc, sẽ chịu tải trọng như nhau), tuy nhiên, có ít nhất 2 điều làm 1 vòng bi sẽ hư hỏng trước: ● Lực dọc trục, ở mỗi thời điểm, chỉ tác dụng lên 1 vòng bi. Trong suốt thời gian làm việc, lực dọc trục cũng phần lớn là tác dụng về 1 phía (1 vòng bi chịu lực) ● Sau 1 thời gian làm việc, các bề mặt làm việc bị mòn, phân bố tải trọng sẽ thay đổi bên trong các vòng bi, lúc đó sẽ xuất hiện ‘’điểm yếu nhất’’ – do bị tập trung ứng suất cao hơn. Điểm đó sẽ khởi đầu hư hỏng của 1 vòng bi.
  • 8. Cách khắc phục nắp chặn vòng bi bị lỏng, văng ra (Vòng bi UCP)
    ● Nắp ngoài cùng của vòng bi UCP thường là 1 vành thép dập, được lắp lên vòng trong bằng ‘’độ căng’’. ● Tuy nhiên ‘’độ căng’’ đó nhanh chóng bị giảm, nhất là trong điều kiện tốc độ cao, nhiệt độ biến thiên, lúc đó nắp bị lỏng và tuột ra. ● Có thể dễ dàng tạo lại ‘’độ căng’’ của nắp đó bằng cách điều chỉnh (bóp) lại đường kính phần gắn lên vòng trong, rồi gắn lại. Kông có tác dụng xấu nào lên vòng bi có thể xảy ra.
  • 9. Cách vô mỡ cho vòng bi? Bơm mỡ cho động cơ khi đang chạy hay đang dừng?
    ● Chỉ thực hiện đối với các cụm vòng bi có hệ thống dẫn chất bôi trơn được chế tạo sẵn, và nhà sản xuất thiết bị có qui định việc tái bôi trơn (bơm mỡ định kỳ). ● Bơm mỡ khi đang chạy, hoặc dừng, phải tuân theo qui định an toàn của Nhà sản xuất thiết bị và bản thân từng Nhà máy. ● Không có tài liệu nào nói Bơm mỡ trong lúc làm việc có thể gây hại cho Vòng bi. ● Bơm bao nhiêu, cũng là qui định của Nhà sản xuất thiết bị, hoặc phụ thuộc vào qui trình của đơn vị quản lý/vận hành thiết bị. ● Các nhà sản xuất Vòng bi khuyến cao bơm 1 lượng bằng 35% thể tích trống bên trong Vòng bi là đủ.
  • 10. Tại BSR, khi bơm mỡ cho động cơ, mỡ không đi ra đường xả mỡ mà đi vào cuộn dây, tại sao? Phương pháp khắc phục?
    ● Phải có Bản vẽ lắp của cụm chi tiết liên quan, mới có thể trả lời chắc chắn; ● Rất có thể lượng Mỡ bơm vào là dư/thừa.
  • 11. Nhiệt độ ổ bi tăng lên do những nguyên nhân nào? có cách nào để luôn kiểm soát được tiếng ồn khi bi còn hoạt động được?
    ● Nhiệt độ tăng, là do ma sát tăng; ● Ma sát tăng, là do màng dầu bôi trơn bị mỏng quá, không đạt chế độ Bôi trơn thủy động ● Chế độ bôi trơn thủy động không đạt có thể có nguyên nhân: ☛ Độ nhớt của chất bôi trơn giảm (chất bôi trơn bị biến tính do: lão hóa, nhiễm nước, nhiễm hóa chất) ☛ Dầu bị thất thoát (rỏ rỉ). ☛ Tải trọng bất thường quá cao, Rung động, va đập ☛ Nhiệt độ môi trường tăng cao.. ☛ ‘’Xà phòng’’ của Mỡ bị ‘’băm nát’’, không giữ được Dầu gốc ☛ V.v. ● Tiếng ồn của Vòng bi xuất phát từ các va đập giữa con lăn với vòng cách, hoặc với các vết rỗ, nứt, lõm trên rãnh chạy. Khống chế tiếng ồn bằng vài cách, có thể kể ra đây: ☛ Đối với tiếng ồn ‘’cố hữu”, do viên bi ‘’va đập ở khu vực không chịu tải’’ của vòng bi: người ta tạo ra 1 lực dọc trục nhỏ, làm cho các viên bi mất chuyển động tự doở vùng không chịu tải, từ đó mà giảm va đập (dùng lò xo có lực căng nhỏ) ☛ Đối với tiếng ồn do va đập với các vết rỗ, nứt, xước..: không thể khống chế, ngoài việc bổ sung chất bôi trơn đều đặn hơn.
  • 12. Vòng bi có khe hở C3, hoạt động nhiệt độ ổ bi cao trên 85oC, có thể thay đổi bằng vòng bi có khe hở C4?
    ● Việc thay thế C4 bằng C3 có thể làm khi: ☛ Nhiệt độ môi trường xung quanh là ổn định ở mức cao (>85 độ C); ☛ Chất bôi trơn và phương pháp bôi trơn là không thể thay đổi; ☛ Yêu cầu Tuổi thọ cao hơn; ● Tuy nhiên, việc thay thế C3 bằng C4 cần được quyết định khi có nhiều thông tin đầu vào hơn là chỉ có thông số ‘’85 độ C”
  • 13. Cách lắp ghép vòng bi đỡ chặn “face to face” và “back to back”?
    ● Cần hết sức lưu ý thông số Clearance hay Preload của cặp Vòng bi; ● Nếu là cặp vòng bi có Clearance thì: ⮕ Face-to-Face: Xiết chặt vòng ngoài, rồi xiết chặt vòng trong ⮕ Back-to-Back: Xiết chặt vòng trong, rồi xiết chặt vòng ngoài ● Nếu là cặp vòng bi có Preload thì: ⮕ Face-to-Face: Xiết chặt vòng trong, rồi xiết chặt vòng ngoài ⮕ Back-to-Back: Xiết chặt vòng ngoài, rồi xiết chặt vòng trong
  • 14. Khi lắp 2 vòng bi với nhau thì ta nên lắp từng vòng bi một hay lắp 2 ổ cùng 1 lúc (sử dụng heater bearing):
    ● Lắp lần lượt từng vòng bi
  • 15. Nhiệt độ cho phép để gia nhiệt vòng bi lắp ghép đối với ổ NU, NJ, vòng bi thông thường?
    ● Nhiệt độ cần gia nhiệt để lắp vòng bi NU, NJ là như Vòng bi thông thường (max. 120 độ C) ● Nhiệt độ cụ thể phụ thuộc vào độ dôi của chế độ lắp ghép. Độ dôi cao hơn, thì Nhiệt độ cao hơn.
  • 16. Tại sao nhiệt độ vòng bi thường tăng cao (trên 70oC) khi động cơ hoạt động tải trên 90% (thường xảy ra ở động cơ có công suất 90KW).
    Công suất động cơ tăng, tức Tải trọng tăng, đương nhiên gây ra lực tác dụng (và cả moment lực) lên vòng bi tăng. Từ đó làm ma-sát tăng, và nhiệt độ tăng theo.
  • 17. Nhà sản xuất có đưa ra tuổi thọ cho từng loại vòng bi không? Nếu có: giả sử 1 vòng bi có tuổi thọ 5 năm, nếu sau 5 năm vẫn chạy được thì có khuyến cáo nên tiếp tục chạy hay thay thế mới? Hoặc nếu tiếp tục chạy thì chạy được trong bao lâu?
    ● Nhà sản xuất vòng bi không công bố Tuổi thọ Vòng bi trong catalog. ● Nhà sản xuất (vòng bi) đưa ra các thông số Cr, Co.. và các khuyến cáo, đề xuất (thể hiện bằng các hệ số tính toán), để các kỹ sư thiết kế tính toán Tuổi thọ Vòng bi (cho từng trường hợp cụ thể). ● Nói rằng ”tuổi thọ 5 năm”, là cách nói theo đính nghĩa L10, (xin xem lại định nghĩa L10 ● Phán quyết về ‘’khả năng tiếp tục dùng’’ của Vòng bi, phụ thuộc vào qui định/qui trình của từng Nhà máy. ● Nếu muốn, phán quyết về ‘’khả năng tiếp tục dùng’’ của Vòng bi, phụ thuộc vào năng lực giám định: độ rơ/khe hở, tình trạng bề mặt (mòn, rỗ, lõm, xước..) của nhân sự Bảo dưỡng. Đối với các Vòng bi lớn, đắt tiền, có thể mời Nhà sản xuất Vòng bi liên quan tới tham vấn ý kiến.
  • 18. Cách lắp vòng bi lên ổ (housing)?
    Cần phân biệt 2 loại Housings: ● Housing do các nhà sản xuất Vòng bi chế tạo: loại này, còn có tên tiếng Anh là Plummer Blocks (2 nửa), Pillow Blocks (liền khối). Loại này, thường được sự dụng cho các ứng dụng Vòng ngoài cố định, và dung sai lắp ghép là Lỏng (H6, H7). Việc lắp đặt vòng bi vào các loại ổ này đơn giản hơn và có thể thống nhất hóa qui trình, do các chi tiết chế tạo theo chuẩn, thứ tự trước sau đơn thuần theo sự thuận tiện. Ví dụ, xem hình dưới: ● Housing do các nhà sản xuất thiết bị chế tạo: còn có tên tiếng Anh là Chocks. Có thể có 2 nửa, hoặc liền khối. Tùy theo ứng dụng mà chế độ lắp ghép với vòng ngoài là lỏng (vòng ngoài cố định), hoặc chặt (vòng ngoài quay). Việc lắp đặt vòng bi vào các loại ổ này, trong rất nhiều trường hợp, là do nhà sản xuất thiết bị (OEM) hướng dẫn. Thứ tự trước sau, căn chỉnh ở trường hợp này, là đa dạng, và thường còn căn cứ vào độ chính xác của các chi tiết liên quan khác (vì dụ Bơm: độ chính xác lắp đặt cụm ổ bi có phụ thuộc vào độ chính xác của hệ thống làm kín, của khe hở cánh bơm-thân bơm..).
  • 19. Khi nào được dùng Loctite cho trục động cơ và bearing housing, theo tiêu chuẩn nào?
    ● Không có Tiêu chuẩn cho việc này. ● Nên hiểu: Loctite cung cấp giải pháp chống xoay, chứ không cung cấp tiêu chuẩn lắp ghép (giống như Hàn là 1 phương pháp để liên kết, hoặc đắp. Còn tiêu chuẩn lắp ghép cụ thể thì không cung cấp) ● Các Kỹ sư, khi muốn sử dụng Loctite để chống xoay, phải tự quyết định trên cơ sở hiểu biết của mình về các đặc tính, giới hạn ứng dụng của Loctite, cũng như phải tự phán quyết về ảnh hưởng của quyết định của mình. ● Các giải pháp dùng Loctite, nên được nhìn nhận theo góc nhìn: kết quả tích cực tương đối khi so sánh với những phương pháp khác. Vì dụ so sánh về thời gian khắc phục, ảnh hưởng của Nhiệt (khi hàn đắp), độ chính xác của gia công cơ khí (mới), giá thành tổng thể, năng suất thiết bị, độ tin cậy gia tăng (so với không làm gì..).. ● Các phương pháp dụng Loctite là để ‘’bổ trợ cho các phương pháp cơ học kinh điển’’ (nếu cần, sẽ có những đào tạo riêng, chuyên sâu cho lĩnh vực này).
  • 20. Các loại mỡ bôi trơn phù hợp cho từng loại vòng bi?
    ● Bôi trơn Vòng bi là lĩnh vực tương đối khó. Lý do: ☛ Ma sát trong Vòng bi có đủ thành phần: ma sát lăn, ma sát trượt ☛ Tải trọng rất đa dạng: nặng/nhẹ; ổn định/va đập; nhiệt độ cao/thấp; tốc độ cao/thấp; ảnh hưởng bên ngoài khó lường (bụi, nước, hóa chất..)... ☛ Do đó, lập chế độ bôi trơn phù hợp là khó khăn ☛ Các Hãng sản xuất Vòng bi (SKF, FAG, Timken, NSK), do hiểu được ảnh hưởng của bôi trơn tới Tuổi thọ Vòng bi (>60% hư hỏng Vòng bi có liên quan tới Bôi trơn), đã đưa Mỡ bôi trơn Vòng bi vào danh mục cung cấp của mình ● Thường các Nhà sản xuất Vòng bi lớn phân chia làm 4 loại: ☛ Đa năng ☛ Chịu Nhiệt độ cao ☛ Chịu Tải trọng cao ☛ Chịu Tốc độ cao Mỡ cho Vòng bi thường có thêm các Phụ gia chống nước, Chống Oxy hóa, EP, .. Một khóa đào tạo riêng về Bôi trơn (1 ngày), sẽ làm rõ hơn các vấn đề liên quan tới bôi trơn Vòng bi.
  • 21. Các báo cáo điều tra hư hỏng bearing? (chia sẻ kinh nghiệm)
    Thông tin đang được cập nhập trong thời gian sớm nhất...
  • 22. Tài liệu tiêu chuẩn về sự thay đổi khe hở bên trong vòng bi đối với ghép có độ dôi?
    Xem thêm tại trang A94-A95, catalog Vòng bi công nghiệp của NSK
  • 23. Chia sẻ kinh nghiệm về sự hư hỏng vòng bi tang trống tự lựa?
    ● Vòng bi tang trống tự lựa (2xxxx) là loại ‘’đa năng”: chịu tải trọng cao, chịu được tải trọng 2 hướng dọc trục, và có khả năng chịu lệch tâm. Chính vì sự ‘’đa năng’’ này, người ta dùng 2xxxx vào các ứng dụng khắc nghiệt hơn các loại khác. Tải trọng đa dạng và khắc nghiệt hơn, nên hư hỏng cũng dễ xảy ra hơn. Khi xảy ra thì nghiêm trọng hơn, nhiều kiểu hư hỏng hơn. ● Viên bi của 2xxxx có dạng tang trống, nên việc định hướng chuyển động là khó khăn. Chỉ riêng ở vòng bi này, thì vai trò ‘’định hướng’’ của vòng cách được đặt ra 1 cách rất cao. ● Các dấu hiệu thường tìm thấy trên Vòng bi 2xxxx bị hư hỏng là: vòng cách vỡ nát (con lăn xoay ngang, phá vòng cách); vật liệu tróc rỗ trên rãnh chạy và con lắn (tải trọng quá cao); vòng trong nứt/vỡ (va đập mạnh, lắp quá chặt, hoặc quá lỏng), Vòng trong/vòng ngoài xoay; hư hỏng trên 1 rãnh lăn (lực dọc trục quá lớn ở 1 hướng - do trục dãn nở vì nhiệt độ cao).
  • 24. Màng dầu bôi trơn có tính toán được độ dày không?
    ● Có, nhưng công thức tính pức tạp, không phù hợp với các kỹ sư bảo dưỡng (là hàm số của độ nhớt của dầu; thời gian; nhiệt độ, độ nhám, tốc độ quay, tải trọng của vòng bi..
  • 25. Tại sao cùng 1 loại vòng bi cùng 1 thiết bị , cùng 1 người lắp đặt mà tuổi thọ lại khác nhau.
    Nhiều điều có thể giải thích việc này, ví dụ: ☛ Dung sai lắp ghép có thể khác nhau, dẫn tới khe hở bên trong của vòng bi (MEP) khác nhau, hoặc độ lệch tâm khác nhau..., dẫn tới Tuổi thọ của từng Vòng bi là khác nhau; ☛ Khái niệm ”tuổi thọ Vòng bi” được định nghĩa và công nhận là khái niệm L10, tức là giá trị được xác định theo phương pháp xác suất thống kê. ☛ Trên cùng 1 trục, 2 vòng bi giống nhau ít nhất có 1 chức năng khác nhau: Cố định (fixed) và Tự do (floating). Vòng bi ở gối cố định chịu Tải trọng dọc trục (nếu xuất hiện); Vòng bi ở gối tự do không chịu lục dọc trục. Tải trọng khác nhau, tuổi thọ sẽ khác nhau (xem công thức L10) ☛ Trên cùng 1 trục, việc nhiễm bẩn, nhiễm nước diễn ra khác nhau (hệ làm kín không tốt như nhau).
  • 26. Có công thức tính đường kính ngoài?
    ● Không. ● Đường kính ngoài của Vòng bi được qui định theo kiểu ‘’dãy số ưu tiên’’
  • 27. Tuổi thọ vòng bi có vòng cách khác nhau thì khác nhau như thế nào?
    ● Vòng cách có ảnh hưởng gián tiếp tới Tuổi thọ vòng bi ● Cơ chế ảnh hưởng của Vòng cách là: Vòng cách tham gia vào quá trình dẫn hướng con lăn ở vùng không tải, cải thiện quá trình bôi trơn; Vòng cách có ảnh hưởng tới số lượng viên bi
  • 28. Vòng bi lưu kho lâu có ảnh hưởng đến tuổi thọ? có cần làm sạch khi mang ra sử dụng?
    ● Không có Tài liệu nào nói về việc Tuổi thọ của Vòng bi bị ảnh hưởng do lưu kho lâu; ● Về nguyên tắc, không cần tẩy dầu bảo quản Vòng bi trước khi đưa vào sử dụng.
  • 29. Nói tuổi thọ vòng bi 11 năm là tính như thế nào?
    ● Đây là cách tính mang tính minh họa. Ví dụ, Sử dụng công thức L10, coi các hệ số a1, a2, a3 đều bằng 1 (điều kiện vận hành lý tưởng), áp dụng cho Vòng bi cầu L10 = (Cr/P)³ ● Chọn P=0.06Cr (tương đương chế độ tải trọng nhẹ, phổ biến). ● Nếu vòng bi làm việc ở chế độ: 1000v/ph; 24 giờ/ngày; 280 ngày/năm ● Thì Tuổi thọ L10 sẽ được tính ra là khỏang 11 năm.
  • 30. Có phân biệt vòng bi dùng cho bơm, vòng bi dùng cho motor (cùng kích thước)?
    ● Không phân biệt Vòng bi dùng cho Bơm và cho Motor điện; ● Ngược lại, nếu nói ”tôi cần vòng bi cho motor điện”, thì nhà cung cấp vòng bi sẽ nghĩ tới 6xxx, NUxxx..; hoặc “tôi cần Vòng bi cho Bơm’’, nhà cung cấp vòng bi sẽ nghĩ tới 6xxx, 7xxx, 3xxx, 5xxx, Nuxxx ● Cũng có những Bơm hoặc Motor điện đặc biệt, được yêu cầu dùng những Vòng bi chế thạo riêng cho chúng
  • 31. Vòng bi cầu đầu 3xxx, 5xxx khác 1xxx như thế nào?
    ● 3xxx và 5xxx đều là ký hiệu của Vòng bi cầu 2 dãy, đỡ chặn. ● 3xxx hay được dùng ở châu Âu; ● 5xxx hay được người Mỹ và Nhật sử dụng; ● 1xxx là Vòng bi cầu 2 dãy, tự lựa;
  • 32. Vòng cách khác vật liệu có làm thay đổi số lượng viên bi? ảnh hưởng thế nào đến tải trọng?
    ● Vật liệu của Vòng cách có gây ảnh hưởng tới số lượng viên bi (vật liệu Vòng cách khác nhau: thép, nhựa, đồng có sức bền và khả năng chịu mài mòn khác nhau, do đó cần có kích thước khác nhau; Vòng cách bằng Thép mỏng hơn, Đồng và Nhựa dày hơn) ● Vòng cách không gây Tải trọng lên Vòng bi;
  • 33. Lực xiết khi lắp vòng bi đỡ chặn ghép cặp?
    ● Do nhà sản xuất Thiết bị (Bơm, Máy nén khí, Động cơ..) qui định. Cần tham khảo hướng dẫn của họ ● Nhà sản xuất Vòng bi không tham gia vào việc này
  • 34. Giải pháp và hướng dẫn thao tác liên quan axial floating & manual floating
    ● Axial floating là khái niệm của ngành Vòng bi, dùng để chỉ cụm Vòng bi/Gối đỡ có chức năng bù trù dãn nở nhiệt của trục. ● Manual floating là khái niệm của các nhà sản xuất thiết bị (bơm, máy nén khí..) dùng để chỉ cụm Vòng bi/Gối đỡ có một mức độ dung sai dọc trục tối thiểu nào đó. Cụm này, theo phân loại của các Nhà sản xuất Vòng bi, là cụm Vòng bi/Gối đỡ cố định (fixed).
  • 35. Đề xuất loại gioăng nào để dùng cho lắp ráp, kiểm soát khe hở dọc trục?
    ● Các loại gioăng non-asbestos ● Ví dụ, cần các tính năng cơ lý sau: ☛ Compressability, ASTM F-36J: 7-17% ☛ Recovery, ASTM F-36J, 50% ☛ Tensile strength, ASTM F-152, 2000psi ☛ Density, 1.8gr/cc ☛ Working Temperature, -40 to 200 độ C
  • 36. Nếu khuyến cáo của nhà sản xuất bơm, khi lắp đặt phải có fixed là 12micromet thì tối thiểu bao nhiêu là an toàn?
    ● Theo tôi đoán, giá trị là 120 Micron (0.12mm), không phải 12 Micron; ● Giá trị này, không nên lớn hơn, vì có thể gây va chạm các chi tiết khác lắp trên trục của bơm (phần làm kín, phần cánh bơm/thân bơm..) khi trục dịch chuyển dọc trục ● Giá trị này, không nên sát 0.0 quá, vì khó kiểm tra. ● Giá trị này (0.12mm, 120 micron) là để an toàn, tránh sai sót lắp đặt, tạo ra lực dọc trục ngoài mong muốn tác dụng lên cặp vòng bi, mà vẫn đảm bảo không gây cọ sát giữa các chi tiết lắp dọc trên trục. ● Ví dụ minh họa: Trong thiết kế của Bơm dưới đây, Vòng bi Cầu (6xxx) đảm nhiệm chức năng ‘’tự do’’ (floating); Vòng bi cầu đỡ chặn 2 dãy (3xxx) đảm nhiệm chức năng ‘’cố định’’ (fixed). Điều quan trọng cần làm ở đây là tránh tình trạng Mặt bích 2 tiếp xúc trực tiếp và gây ra lực dọc trục ép lên vòng ngoài của vòng bi 3xxx, đẩy nó về phía trái, hậu quả là chỉ 1 hàng bi bên trái chịu tải. Vòng bi này (3xxx) sẽ nhanh chóng bị nóng và hư hỏng. Để làm việc này, người ta qui định khe hở dọc trục trên ổ, ví dụ là 0.12mm, cho cụm vòng bi 3xxx. Khe hở này, được điều chỉnh bằng chiều dày của Gioăng 3. Giá trị 0.12mm cũng cần được giới hạn (max.) để tránh tình trạng trục di chuyển (dọc) và gây va chạm giữa các chi tiết của hệ làm kín (các chi tiết 4), cũng như cách bơm và thân bơm.
  • 37. Kí hiệu C3, C4 khác nhau như thế nào?
    ● Đây là ký hiệu Khe hở bên trong (độ rơ hướng kính) của Vòng bi, theo qui định của ISO.
  • 38. Khi nào ứng dụng chống lỏng lưng trên vòng ngoài có O-ring?
    ● Trong các ứng dụng (bơm) có chất lỏng gây oxy hóa cao, mối lắp ghép Vòng ngoài - Ổ đỡ vẫn là lỏng (H6, H7), khe hở giữa 2 chi tiết này là tồn tại. Lưu chất dễ dàng lọt vào gây sét rỉ (fretting corrorion), lâu ngày làm hỏng ổ đỡ (cũng là thân bơm). ● O-ring có tác dụng làm kín, xong cũng tạo ma-sát, giúp vòng ngoài chống xoay trong ổ đỡ. ● Thiết kế này tìm được sự ‘’hoan nghênh’’ trong các Bơm LPG, bơm hóa chất.
  • 39. Catalog vòng bi?
    ● Sẽ cấp 10 bộ catalog tiếng Việt của NSK sau khóa đào tạo.
  • 40. Tất cả các vòng bi được sản xuất ra có độ kiểm tra tuổi thọ L10?
    ● Không ● Người ta chỉ tiến hành kiểm tra theo nguyên tắc lấy mẫu
  • 41. Tốc độ giới hạn của vòng bi là thông số được test cho riêng từng mã vòng bi?
    ● Không ● Người ta chỉ tiến hành kiểm tra theo nguyên tắc lấy mẫu
  • 42. Làm sao kiểm tra khe hở của vòng bi sau khi lắp?
    ● Dùng thước lá, hoặc đồng hồ shore. ● Chỉ nên thực hiện khi nhà sản xuất thiết bị yêu cầu và ghi rõ trong Hướng dẫn.
  • 43. Làm sao kiểm tra độ lắp chặt, khe hở khi lắp vòng bi côn?
    Sử dụng đồng hồ shore, để kiểm tra độ dịch chuyển dọc trục của trục, để xác định khe hở sau khi lắp của vòng bi côn (MEP).
  • 44. Ứng dụng và khuyến cáo sử dụng các khe hở C1, C2…C5?
    ● C1, C2, C5: rất ít khi sử dụng; ● C3, C4: được nghĩ tới khi ứng dụng có những đặc điểm sau: Tải trọng cao (cần lắp ghép chặt (p6), nhiệt độ cao (trên 100 độ C);
  • 45. Sự khác nhau khi lắp DF, DB, DT đối với vòng bi đầu 7xxx
    ● DF: ưu tiên sử dụng cho ứng dụng tốc độ cao hơn (so với DB) ● DB: ưu tiên sử dụng cho ứng dụng cần độ cứng vững cao hơn (so với DF) ● DT: ưu tiên sử dụng cho ứng dụng có lực dọc trục 1 phía lớn: Fr > 0.5Fr + Yo.Fa
  • 46. Kiểm tra MEP như thế nào?
    Dùng thước lá, hoặc đồng hồ shore.
  • 47. Có cách nào để kiểm tra và yên tâm công việc lắp đặt vòng bi là tốt trước khi phải chạy thử?
    ● Mức độ yên tâm cao hơn, khi: ☛ Dung sai lắp ghép (trục, ổ) nằm trong miền cho phép ☛ Phương pháp và thiết bị lắp đặt là chuyên nghiệp ☛ Môi trường sạch sẽ ☛ Vòng bi là mới. ● Mức độ yên tâm cao hơn, không có nghĩa là bỏ qua chạy thử (commisioning là yêu cầu bắt buộc).
  • 48. Sau khi gia nhiệt và lắp vòng bi và trục, có được phép xoay thử vòng bi ngay?
    Nên giữ 1-2 phút, để vòng trong ôm chặt trục.
  • 49. Lượng mỡ cho vào vòng bi bao nhiêu là tốt?
    Khuyến cáo chung là ‘’35% không gian trống của Vòng bi’’
  • 50. Những chú ý khi lắp vòng bi dùng măng xông côn?
    ● Dung sai kích thước trục: h8 hoặc h9 ● Sử dụng các phương pháp theo dõi quá trình lắp (độ dịch chuyển của măng-xông côn; góc quay của lock nut; hoặc độ giảm của khe hở bên trong; ● Độ lớn của khe hở bên trong MEP là giá trị buộc phải đo kiểm tra và so sánh với giá trị cho phép ở catalog. ● Phải có chạy thử, kiểm tra nhiệt độ trong vòng 2-3 giờ.
  • 51. Tại sao lắp măng xông côn lên trục mà không đặt được độ lắp chặt cần thiết?
    ● Trục bị mòn quá giới hạn h8, h9 ● Măng xông côn không có chất lượng đảm bảo
  • 52. Nếu dùng cách xiết lock nuts trên măng xông côn để làm giảm khe hở của vòng bi cũ (do mòn rãnh lăn) là đúng hay sai?
    ● Đúng, xiết chặt lock nut sẽ làm giảm khe hở bên trong của vòng bi ● Tuy nhiên, kết quả của việc xiết chặt này, còn bao gồm cả việc liên kết trục – măng xông, măng xông – vòng bi có gây ảnh hưởng tốt/xấu thế nào tới vận hành;
  • 53. Dùng keo chống lỏng trục có đảm bảo được độ tròn của trục?
    ● Không. Keo (Loctite 6xx) chống lỏng, không giải quyết độ tròn/méo của trục. Chỉ gia tăng lực bám của vòng trong lên trục. ● Keo epoxy (metal epoxy) c9ó thể giải quyết độ tròn/méo của trục. Cách làm là đắp lên, rồi gia công lại (tiện, mài).
  • 54. Chi phí làm độ dôi tăng sẽ là phần chi phí gia công trục hay vòng bi?
    Là chi phí gia công trục.
  • 55. Cấp bảo vệ của máy gia nhiệt Betex iDutor là bao nhiêu?
    IP20, class 1.
  • 56. Khe hở để bù giãn nở nhiệt dọc trục có cần phải giới hạn không? có cần khống chế max?
    ● Có. ● Khe hở này cần được tính toán theo công thức: ∆L = 12.6x10-⁴ xLx∆T ● Khống chế ở mức ∆L = 2 tới 3mm
  • 57. Các khuyến cáo khi lắp vòng bi vào housing?
    ● Lưu ý: gối đỡ tự do, hay gối đỡ cố định (có vòng chặn) ● Dung sai lắp ghép với ổ đỡ là H6, H7 (cho các ứng dụng Vòng trong lắp chặt lên trục)
  • 58. Những lưu ý khi thao tác tháo vòng bi bằng cảo 3 chấu?
    Vừa tạo lực kéo, vừa xoay cảo để tránh lực cảo tác dụng lên viên bị vào 1 vị trí cố định, gây biến dạng vĩnh cửu (lõm) cho rãnh chạy.
  • 59. Khi gia nhiệt để tháo vòng bi bằng dây cảm ứng, trục có bị nóng, giãn nở theo?
    ● Có, trục sẽ bị nóng. ● Tốc độ nóng lên của trục, sẽ chậm hơn so với vòng bi. ● ‘’Nghệ thuật’’ là thao tác nhanh, để trục không kịp nóng bằng vòng bi.
  • 60. Dùng keo yếm khí (Loctite) để dán cố định vòng ngoài bạc đạn lên housing trong chế độ lắp lỏng có đúng không?
    ● Đúng, keo yếm khí Loctite (660) có khả năng làm gia tăng độ bám chặt của Vòng ngoài vào ổ đỡ (chống xoay), tức là xử lý tình trạng lỏng quá mức; ● Cần lưu ý tới chức năng ‘’gối cố định’’ hay ‘’gối tự do’’ để quyết định. ‘’Gối tự do’’ sẽ không nên dùng, vì ảnh hưởng tới khả năng dịch chuyển khi trục dãn nở nhiệt.
  • 61. Làm thế nào để phân biệt Bạc đạn giả?
    Đây có lẽ là câu hỏi đầu tiên mà nhiều khách hàng đặt ra với bản thân, và với các Nhà cung cấp Bạc đạn Tuy nhiên, không phải lúc nào Khách hàng cũng hài lòng với câu trả lời. Đúng vậy, bạn rất khó hài lòng với những câu trả lời. Nhất là khi bạn luôn nghĩ trong đầu: Hãy tìm các dấu hiệu giả mạo trên Bạc đạn. Vì sao? 1. Vì sự Giả dối luôn có muôn hình - Vạn trạng; 2. Khả năng làm giả đã trở nên rất tinh vi; 3. Sự hiện diện của Hàng giả trong nhiều Nhà máy "hỗ trợ" bởi lượng tiền Hoa hồng cho Người mua rất cao. Vậy ta phải làm gì, để chống hàng giả? Hãy thay đổi cách nhìn, cách nghĩ: Thay vì tìm dấu hiệu Hàng Giả, hãy học để biết thế nào là Hàng Thật. Thực tế cho thấy nhận biết Hàng Thật, thì không cần phải học nhiều. Vì: Bạc đạn thật chính là Bạc đạn tốt. Vậy bạc đạn tốt là: Chủ trương của chúng tôi là "học để biết Bạc đạn thật", từ đó nhận ra bạc đạn giả. Chúng tôi có thể cung cấp Bạc đạn thật cho Khách hàng làm "hàng đối chiếu", hoặc cùng phân tích tìm ra những dấu hiệu giả mạo.. Nhưng chúng tôi cũng chủ trương "nên tìm nơi có uy tín, có thâm niên, có tổ chức bài bản" để mua. Vì "người mua có thể nhầm, chứ người bán thì không thể nhầm".
  • 62. Bôi trơn Vòng bi – Làm thế nào để nhìn vào vòng bi mà phát hiện ra các nguyên nhân chính của bất cập?
    Việc phát hiện các đặc điểm đặc biệt của vòng bi thông qua việc quan sát trực tiếp yêu cầu kỹ thuật viên phải chú ý đến các dấu hiệu hư hỏng và tình trạng bôi trơn. Dưới đây là các bước và hướng dẫn chi tiết để quan sát và nhận biết các đặc điểm liên quan: 1. Mỡ làm việc ở Nhiệt độ cao ▸ Dấu hiệu quan sát: Vòng bi có thể bị đổi màu (thường là màu xanh, vàng hoặc nâu) do quá nhiệt. Các bề mặt vòng bi bị cháy xém hoặc bị biến dạng là dấu hiệu nhiệt độ quá cao. ▸ Nguyên nhân có thể: Sự ma sát lớn hoặc bôi trơn không hiệu quả, chất bôi trơn bị suythoái do nhiệt độ cao. 2. Mỡ làm việc ở Nhiệt độ thấp ▸ Dấu hiệu quan sát: Vòng bi có thể bị kẹt, hoạt động không mượt mà, hoặc có dấu hiệu đóng băng dầu mỡ bôi trơn (đặc biệt nếu sử dụng chất bôi trơn không thích hợp cho nhiệt độ thấp). ▸ Nguyên nhân có thể: Chất bôi trơn bị đặc lại khi nhiệt độ giảm, hoặc có sự ngưng tụ hơi nước gây đông đặc trong vòng bi. 3. Mỡ làm việc ở Tốc độ cao. ▸ Dấu hiệu quan sát: Vòng bi bị mòn nhanh chóng hoặc có hiện tượng mài mòn bất thường trên rãnh lăn và viên bi. Nếu chất bôi trơn không phù hợp, có thể thấy dầu mỡ bị "nóng chảy" hoặc bị đẩy ra ngoài. ▸ Nguyên nhân có thể: Chất bôi trơn không chịu được tốc độ quay cao hoặc vòng bi không được thiết kế cho điều kiện hoạt động tốc độ cao. 4. Mỡ làm việc với Tải trọng cao ▸ Dấu hiệu quan sát: Các dấu hiệu mài mòn, nứt, lõm hoặc biến dạng bề mặt trên các viên bi, vòng ngoài hoặc vòng trong. Vết lõm thường xuất hiện tại các điểm tiếp xúc chịu tải trọng lớn. ▸ Nguyên nhân có thể: Tải trọng quá lớn vượt quá khả năng chịu lực của vòng bi, hoặc chất bôi trơn không đủ độ nhớt để chịu tải. 5. Mỡ làm việc trong môi trường ẩm ướt hoặc có sự xâm nhập của nước ▸ Dấu hiệu quan sát: Có thể phát hiện hiện tượng gỉ sét hoặc oxy hóa trên bề mặt vòng bi. Chất bôi trơn có dấu hiệu bị phân lớp hoặc bị rửa trôi do nước. ▸ Nguyên nhân có thể: Vòng bi tiếp xúc với nước hoặc độ ẩm cao mà không có biện pháp bảo vệ phù hợp. 6. Mỡ làm việc trong Môi trường bụi bẩn hoặc ô nhiễm ▸ Dấu hiệu quan sát: Bụi bẩn có thể tích tụ quanh khu vực vòng bi, gây ra sự mài mòn bất thường trên bề mặt lăn và viên bi. Chất bôi trơn có thể bị nhiễm bẩn và trở nên đục, chứa hạt rắn hoặc bị biến chất. ▸ Nguyên nhân có thể: Hệ thống bôi trơn không được che chắn tốt hoặc chất bôi trơn bị nhiễm bụi bẩn từ môi trường. 7. Mỡ làm việc trong Môi trường ăn mòn hóa học ▸ Dấu hiệu quan sát: Vòng bi có thể bị mòn cục bộ hoặc xuất hiện các vết gỉ sét ăn mòn nghiêm trọng trên bề mặt kim loại. Vòng bi có thể bị mài mòn do tác động của các chất hóa học. ▸ Nguyên nhân có thể: Tiếp xúc với các tác nhân hóa học mạnh như axit hoặc kiềm mà không có lớp bảo vệ chống ăn mòn. 8. Mỡ làm việc trong Dao động hoặc rung động ▸ Dấu hiệu quan sát: Vòng bi có thể xuất hiện các vết mòn do rung động, vết lõm hoặc trầy xước bất thường trên bề mặt rãnh lăn và viên bi. Những vết nứt nhỏ có thể xuất hiện do ứng suất lặp lại. ▸ Nguyên nhân có thể: Chuyển động dao động lặp đi lặp lại hoặc rung động mạnh gây ra sự mài mòn không đều hoặc phá hủy lớp bôi trơn. 9. Bôi trơn bị khô hoặc rất thiếu ▸ Dấu hiệu quan sát: Bề mặt lăn và viên bi có dấu hiệu mài mòn khô, xuất hiện trầy xước hoặc biến dạng. Trong một số trường hợp, có thể thấy vòng bi bị "cắn" hoặc kẹt cứng do thiếu bôi trơn. ▸ Nguyên nhân có thể: Thiếu chất bôi trơn hoặc hệ thống bôi trơn bị hỏng, không cung cấp đủ dầu/mỡ cần thiết. 10. Thời gian hoạt động quá dài mà không bảo trì ▸ Dấu hiệu quan sát: Vòng bi có thể bị mài mòn hoặc suy giảm hiệu suất do không được bảo trì đúng hạn. Có thể thấy lớp bôi trơn cũ trở nên khô cứng hoặc mất khả năng bôi trơn. ▸ Nguyên nhân có thể: Hoạt động liên tục mà không được bảo trì định kỳ hoặc không thay thế chất bôi trơn. Kết luận: ▸ Để phát hiện các đặc điểm đặc biệt của vòng bi, kỹ thuật viên cần quan sát kỹ lưỡng các dấu hiệu bất thường như màu sắc, vết nứt, gỉ sét, mài mòn và tình trạng của chất bôi trơn. ▸ Kiểm tra thường xuyên và phân tích mẫu chất bôi trơn sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn và điều kiện bất thường trong quá trình vận hành vòng bi.

Ứng dụng của vòng bi

Những đặc điểm quan trọng của Vòng bi NSK cho động cơ điện

Mỡ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu suất và tuổi thọ của vòng bi. NSK cung cấp nhiều loại mỡ chuyên dụng, trong đó nổi bật:

NSK Grease

NSK EA7 Grease

  • Phổ biến nhất cho động cơ điện.

  • Chịu nhiệt tốt, giảm ma sát và tiếng ồn.

  • Được phát triển đặc biệt để chống rò rỉ và đảm bảo vòng bi hoạt động êm ái.

NSK Grease

NSK EN7 Grease

  • Thích hợp cho tốc độ cao và nhiệt độ ổn định.

  • Đặc tính chịu tải vừa phải, lý tưởng cho ứng dụng động cơ điện.

NSK Grease

NSK LGU Grease

  • Mỡ chất lượng cao, lý tưởng cho các ứng dụng cần độ ồn thấp.

  • Khả năng chống oxy hóa và bền lâu trong môi trường khắc nghiệt.

NSK Grease

Mỡ chịu nhiệt và chống nước (NSK HPS Grease)

  • Phù hợp với điều kiện làm việc ngoài trời hoặc môi trường ẩm ướt.

Tại STD&D, chúng tôi hiểu rằng mỗi khách hàng đều có những yêu cầu và thông số kỹ thuật riêng. Vì vậy, chúng tôi cung cấp nhiều loại vòng bi chính xác để đáp ứng nhu cầu cụ thể. Đội ngũ kỹ sư chuyên môn kỹ thuật cao của chúng tôi có thể làm việc với bạn để phát triển các giải pháp tùy chỉnh giúp tối ưu hóa hiệu suất của máy móc và thiết bị của Quý khách.

STD&D
bottom of page